Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Tưới nhỏ giọt – Giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp

Tưới nhỏ giọt là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào rễ cây dưới dạng các giọt nước nhỏ ra chậm với lưu lượng không đổi nhờ các cơ chế đều tiết áp lực nước của các đầu nhỏ giọt gắn chìm trong ống dẫn hay lắp bên ngoài ống. Nói đến hệ thống tưới nhỏ giọt phải kể đến tập đoàn Netafim - Israel nổi tiếng thế giới về Công nghệ tưới tiết kiệm nước. Netafim hiện không chỉ tập trung tại những khu vực ít nguồn nước tự nhiên mà đang hoạt động trên phạm vi toàn cầu, đã cung cấp thiết bị cho 110 quốc gia trên thế giới, tại các vùng khí hậu khác nhau với doanh số năm 2010 hơn 800 triệu USD.


Đến nay, hệ thống tưới nhỏ giọt là biện pháp tưới tiêu tiết kiệm nước nhất, giảm đến 30-60% nước so với phương pháp tưới truyền thống. Nông dân có thể cung cấp nước, phân bón đến đúng vùng rễ tích cực với liều lượng nhỏ, vừa đủ để cây trồng hấp thu hết thông qua hệ thống máy bơm, van, đường ống dẫn nước, đường ống nhỏ giọt, và hiện đại hơn là kết nối với hệ thống máy tính kiểm soát.

Để có hệ thống tưới nhỏ giọt đạt yêu cầu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nó phải là một hệ thống vận hành một cách tinh tế và “cảm nhận” được sự lớn lên, phát triển từng ngày cho mỗi loại cây trồng, đặc biệt là các loại cây ngắn ngày, và phải cung cấp nước tưới và phân bón thích hợp nhất để đạt kết quả vụ mùa như mong muốn của nhà nông.

Các hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ được thiết kế, lắp đặt dựa trên một nguyên lý chung: bộ trung tâm thông thường gồm có bộ lọc, đồng hồ đo áp lực nước, bộ châm dinh dưỡng, van xả khí; các đường ống chính, ống nhánh, và ống nhỏ giọt; và van điều áp để điều chỉnh áp lực trong hệ thống ống. Có rất nhiều các loại thiết bị nhỏ giọt phù hợp sử dụng cho các loại cây trồng khác nhau.

Các thiết bị chính của một hệ thống tưới nhỏ giọt:

1. Ống nhỏ giọt (Drip inline ): Ống nhỏ giọt là những ống dẫn nước bằng nhựa PE với đường kính ống và độ dày ống khác nhau được gắn chìm bên trong giọt rất đa dạng, tuỳ theo yêu cầu của cây trồng và suất đầu tư mà chúng ta có thể lựa chọn loại dây nhỏ ống những đầu nhỏ giọt với khoảng cách và lưu lượng của đầu nhỏ giọt để sử dụng.

2. Hệ thống Lọc: Hệ thống lọc là phần quan trọng nhất của hệ thống tưới nhỏ giọt. Có nhiều loại lọc khác nhau: lọc màng, lọc đĩa, lọc giá thể, lọc tách cát. Các hệ thống lọc sẽ được vệ sinh lõi lọc bằng tay, bán tự động và tự động theo áp lực hoặc thời gian. Tùy theo chất lượng nguồn nước, Netafim sẽ cung cấp một hệ thống lọc đảm bảo dây nhỏ giọt hoạt động tốt, nước và phân bón hoà tan sau khi đi qua hệ thống lọc sẽ được đưa vào hệ thống nhỏ giọt cung cấp cho cây trồng.

3. Hệ thống định lượng và châm phân bón: 60% công dụng của hệ thống tưới nhỏ giọt là sử dụng phân bón qua hệ thống. Phân bón hòa tan trong nước được đưa chính xác vào bộ rễ tích cực của cây trồng hàng ngày hoặc nhiều lần trong một ngày với liều lượng xác định.

Bộ định lượng và châm phân bón có thể điều khiển tự động để hút phân từ 5 kênh châm phân khác nhau với tỷ lệ đấu trộn theo khối lượng và được kiểm soát bằng độ dẫn điện và độ pH của dung dịch tưới. Các trang trại nhỏ hoặc suất đầu tư thấp có thể sử dụng những bộ châm phân bón đơn giản bằng cơ cho từng loại phân bón với việc kiểm soát khối lượng phân cung cấp ở mức độ tương đối.

4. Hệ thống điều khiển tưới tự động: Hệ thống tưới sẽ được điều khiển bằng lưu lượng, thời gian hay bằng những sensor cảm biến ẩm độ hay nhiệt độ. Hệ thống điều khiển sẽ đóng mở máy bơm và van điện để tưới theo rất nhiều những chương trình tưới được lập trình sẵn. Hệ thống điều khiển có thể truyền tín hiệu bằng dây Cable hay tín hiệu sóng radio) cho những diện tích lớn từ vài trăm đến hàng ngàn hecta.

5. Đối với cây trồng trong chậu, Công ty Netafim cung cấp ống Capinet với lưu lượng 2L/h, cắm thắng vào thân ống nhánh PE không cần đầu nối. Đầu nhỏ giọt nằm trong ống mềm 3mm và nước sẽ đi xuyên qua đầu nhỏ giọt để đến điểm cần tưới. Các đoạn ống Capinet có chiều dài từ 0.6 đến 1.2m và đảm bảo độ đồng đều về lưu lượng ở những độ dài khác nhau của ống.

Ưu điểm dễ nhận thấy khi ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào canh tác rau và hoa trong nhà kính, là người nông dân có thể tiết kiệm được từ 30 đến 50% lượng nước tưới, tiết kiệm đến 30% chi phí phân bón, tiết kiệm công chăm sóc, làm cỏ, bón phân. Thông qua hệ thống này, việc duy trì độ ẩm phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây cũng được thuận tiện và chính xác hơn rất nhiều so với phương pháp tưới khác. Như vậy nhìn một cách tổng thể, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt này sẽ giúp người nông dân nâng cao mật độ canh tác, tăng năng suất, và quan trọng hơn là chất lượng nông sản luôn được đảm bảo qua việc quản lý được dinh dưỡng cây trồng.

Một nông dân trồng hoa cúc ở Đà Lạt chia sẻ: “Đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt để sản xuất cúc, nông dân tiết kiệm được phân. Thông qua hệ thống này, có thể sử dụng được các loại phân hóa lỏng để bơm thẳng vào rễ cây thì năng suất sẽ tăng hơn. Nếu mà không sử dụng công nghệ này thì không sử dụng được các loại phân hóa lỏng đó. Khi sử dụng hệ thông này, mình phải sử dụng với chu kỳ ổn định: ví dụ một tuần bón phân 3 lần thì cứ thế mà mình làm một tuần 3 lần. Năng suất có thể tăng gấp đôi, cành hoa dài, mập…”.

Một nông dân khác trồng hoa hồng phân tích: “Vì hoa hồng là cây dài ngày, nếu ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đất giảm sự bạc màu, đất không bị nén, bản thân người nông dân kiểm soát được phân bón-đây là vấn đề rất là quan trọng vì nếu bỏ nhiều phân qúa trong 10 năm sẽ làm cho đất bị thoái hoá. Nếu mình kiểm soát được thì hạn chế sự thoái hóa của đất đi. Thường mình làm hoa hồng trong nhà mái che thì ẩm độ cao, mà tưới nhỏ giọt thì kiểm soát được độ ẩm…”.

Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào canh tác sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tố hơn cho sản xuất nông nghiệp. Mặc dù phải bỏ tiền đầu tư một lần trong khi nhiều lúc giá nông sản cao thấp thất thường, tuy nhiên hiểu rõ được lợi ích của việc ứng dụng công nghệ vi tưới, người trồng Rau Hoa trên địa bàn Lâm Đồng vẫn đã và đang đầu tư từng bước hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhận thức được rằng muốn mở rộng thị trường, muốn đưa cây rau và hoa xuất khẩu…. thì yếu tố theo chốt vẫn là nâng cao chất lượng nông sản, tính cạnh tranh cao, để đạt được điều đó, con đường ngắn nhất vẫn là ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, trong đó có công nghệ tưới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét